Học Viện Toàn Cầu Xanh

Giáo Dục Toàn Cầu Xanh

HANBOK – TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG HÀN QUỐC

Hanbok - trang phục truyền thống của Hàn Quốc bạn có muốn biết thêm về trang phục truyền thống này có gì đặc biệt.

Có lẽ chúng ta đều đã được nghe, được nhìn thấy trang phục truyền thống của Hàn Quốc – Hanbok xuất hiện trong các bộ phim hay những chương trình truyền hình nổi tiếng rất nhiều rồi. Vậy bạn có muốn biết thêm về trang phục truyền thống này có gì đặc biệt, mà lại được nhiều người yêu thích đến vậy. Hãy cùng Toàn Cầu Xanh tìm hiểu nhé!

1. Lịch sử của trang phục Hanbok

Hanbok tức là Hàn Phục, là bộ trang phục truyền thống của người Hàn Quốc. Hanbok có từ thời đại Joseon, đã từng được mặc phổ biến ở Hàn Quốc từ rất lâu. Hiện nay, Hanbok chủ yếu được mặc nhiều hơn trong các dịp lễ tết, các khi có sự kiện trọng đại đối với người Hàn Quốc.

Đối với người Hàn Quốc truyền thống thì Hanbok còn có ý nghĩa thể hiện sự phân biệt đẳng cấp xã hội với những quy tắc khắt khe về ký hiệu hoa văn, màu sắc và ý nghĩa biểu trưng của nó. Chẳng hạn thời xưa, Hanbok của giới thượng lưu mới được dệt từ cây gai hoặc một loại vải nhẹ cao cấp để người mặc thoải mái hơn, dễ chịu, nhẹ nhàng hơn khi số lớp vải nhiều và độ xòe nhìn chung khiến Hanbok khá nặng. Những người dân thường thì chỉ được phép mặc Hanbok làm từ vải bông đơn thuần như vải gai, bông, muslin, lụa và satin. Tùy theo mùa và từng vùng khác nhau mà Hanbok có thể được mặc khoác thêm lớp áo khoác hoặc may Hanbok có vải lót lông cho ấm.

Hanbok là trang phục truyền thống được người Hàn Quốc mặc thường ngày từ cách đây khoảng 100 năm. Ngày nay, Hanbok truyền thống hầu như chỉ còn được mặc trong những dịp đặc biệt. Một số làng mang lối sống truyền thống vẫn mặc Hanbok vào những ngày thường.

Trong lịch sử của Hàn Quốc có hai bộ Hàn phục dành riêng cho giai cấp quý tộc và dân thường.  Giai cấp quý tộc sử dụng trang phục may theo kiểu cách nước ngoài, dân thường mặc bộ trang phục truyền thống.

2. Chất liệu Hanbok

Trước đây, chất liệu của Hanbok Hàn Quốc là sự phân biệt vị thể của người đó trong xã hội. Hanbok của tầng lớp thượng lưu được dệt từ cây gai hoặc một loại vải nhẹ cao cấp. Người dân thường thì chỉ được phép mặc áo làm bằng vải bông  đơn thuần.

Vải để may Hanbok là loại vải ramie được dệt bằng vật liệu tự nhiên và được nhuộm màu bằng các sản phẩm có sẵn trong tự nhiên như hoa hoặc vỏ cây, sau đó vắt nước rồi sấy khô.

Mùa hè thì những chất liệu mỏng và nhẹ hơn được sử dụng để khắc phục phần nào sức nóng của nhiều lớp áo. Vào mùa thu, phụ nữ Hàn Quốc rất chuộng Hanbok may bằng lụa tơ, bởi khi đi lại sẽ tạo ra âm thanh xào xạc như bước trên lá khô vậy. Người Hàn thường mặc thêm áo khoác dày hoặc mặc Hanbok may bằng vải bông dày vào mùa đông. Người dân ở phương Bắc thì còn có thêm lông ở trong vải áo để giữ ấm.

3. Kiểu dáng, màu sắc của trang phục Hanbok

3.1 Kiểu dáng của Hanbok

Trang phục Hanbok giữa nam và nữ có sự khác nhau:

  • Hanbok nữ gồm 2 phần chính là jeogori và chima. Jeogori là áo khoác ngắn, chima là váy thắt eo cao. Jeogori có thể ngắn chỉ vừa đủ che ngực hoặc dài đến eo (với hình dáng lưỡi liềm cong lên hoặc đơn giản là gấu áo thẳng). Đi kèm với jeogori là nơ otgoreum, được tạo nên từ hai dải vải dài buộc chặt vào nhau. Bên cạnh đó cũng không thể thiếu tất trắng beoson và những đôi giày hình chiếc thuyền. Ngoài ra còn mặc một lớp “hanbok trong” cũng có thể có jeogori nhưng tất cả đều là màu trắng.
  • Hanbok nam gồm jeogori, quần baji và áo choàng durumagi. Áo choàng durumagi dài đến đầu gối hoặc hơn, jeogori ngang hông, quần baji thì rộng và bó ở gấu. Đi kèm với Hanbok nam là mũ (gat), dây buộc ngang lưng dalleyong và giày. Cũng như hanbok nữ, hanbok nam cũng có một lớp mặc trong màu trắng.

3.2 Màu sắc của Hanbok

Màu sắc của Hanbok cũng ẩn chứa nhiều ý nghĩa đặc biệt. Người dân Hàn Quốc thích mặc những trang phục có màu trắng hay những tông màu tương tự để thể hiện địa vị của mình. Màu sắc và các thiết kế của Hanbok thường được thiết kế để làm nổi bật lên sự sang trọng cho người mặc. 

Hanbok được nhuộm màu tự nhiên, màu sắc được thấm vào trong vải.

Ví dụ màu đỏ sẽ được lấy từ những cánh hoa màu đỏ, quá trình chiết xuất rất lâu và phức tạp đòi hỏi phải có độ chính xác và tỉ mỉ cao. Chất lượng màu sắc sẽ khác nhiều so với những loại thuốc nhuộm nhân tạo khác

4. Trang phục Hanbok cách tân ngày nay

Thời xưa khi tình trạng phân chia giai cấp còn nặng nề, trang phục chính là căn cứ phân biệt tầng lớp xã hội. Các nhà thiết kế cũng đã cách tân, biến đổi màu sắc, thay đổi kiểu dáng để làm nên sự phong phú cho trang phục và giúp khách hàng chọn lựa được trang phục ưng ý. 

Ở thời hiện đại, bất cứ ai cũng có thể chọn lựa được chất liệu và màu sắc phù hợp với mình. Chất liệu của Hanbok đa dạng hơn như vải gai, bông, muslin, lụa và satin. 

Hoa văn trên Hanbok cũng thường thiên về các họa tiết thiên nhiên hoặc những hình sang trọng như rồng phượng, có thể là in chìm trên nền vải lụa, satin, gấm…hoặc thêu tay các hình thù rất cầu kỳ và tinh tế. Bên cạnh Hanbok áo truyền thống Hàn Quốc thì Hanbok cách tân ngày nay có hai loại phổ biến là Saenghwal Hanbok và Gaeryang Hanbok, cả hai loại này đều được thiết kế đơn giản đi so với Hanbok truyền thống.

5. Cách mặc Hanbok Hàn Quốc

5.1 Đối với nữ

Với nữ sẽ mặc hanbok lót màu trắng trước, cố định váy bằng dây buộc. Sau đó lớp hanbok chính bên ngoài cũng được mặc tương tự. Để mặc đẹp và đúng cách, điều quan trọng nhất đó là thắt nơi Georeum sao cho đẹp, Georeum cần được thắt về bên tay phải người mặc, độ rủ mềm mại giữ được nét nữ tính và thanh lịch của phái nữ. Vải của bộ áo không được để nhàu và phải giữ được nếp và độ phồng ban đầu. 

5.2 Đối với nam

Với nam cũng là mặc baji lót màu trắng trước, sau đó đến jeogori, dáng áo mở có dây cùng chất liệu buộc lại. Sau đó mặc baji ngoài rồi đến áo khoác. Nếu là durumagi thì chỉ cần khoác vào và buộc bằng dalleyong. Dalleyong có thể là một sợi dây mảnh đeo thêm miếng ngọc bội hoặc móc treo thắt nút bằng vải để trang trí, hoặc có thể là một thắt lưng vải bản to để cố định áo. Nếu là áo khoác cộc tay (cùng kiểu với jeogori) thì mặc tương tự như jeogori, dây buộc áo khoác này cũng là vải cùng chất liệu nhưng được thắt chặt và rủ về bên tay phải.

Nếu như ban đầu Jeogeori dài đến ngang eo, cạp trên của chima cũng cao đến đó thì sau này jeogori được rút ngắn lại, chỉ vừa đủ che hết ngực, còn cạp của chima thì được nâng cao lên, mặc đến quá ngực và độ dài được giảm bớt. Vì đặc điểm của Chima là xòe khá rộng nên thay đổi như vậy làm giảm sự vướng víu của bộ trang phục và tạo cho người mặc dáng vẻ cao ráo thanh thoát hơn. 

Xem thêm: Khám phá Hàn Quốc bằng xe đạp

6. Những phụ kiện đi kèm với trang phục Hanbok

Đi kèm với các trang phục Hanbok nam nữ còn có thêm những phụ kiện giúp cho trang phục thêm bắt mắt và sang trọng hơn. Những phụ kiện đi kèm theo trang phục truyền thống của người dân Hàn Quốc cũng rất dễ tìm kiếm để bạn có thể kết hợp và có được một bộ trang phục đúng kiểu nhất:

6.1 Samo

Đây là loại mũ đặc biệt mặc cùng với Dalleyong (áo choàng) như trang phục thường ngày của các quan chức.

6.2 Gat

Một loại mũ dành cho nam giới trong triều đại Joseon, được các quan chức mặc cùng với po (áo choàng) khi họ ra ngoài.

6.3 Bokgeon

Một loại mũ khác dành cho nam giới trong triều đại Joseon, cũng được các quan chức mặc cùng với po (áo choàng) khi đi ra ngoài.

6.4 Nambawi

Một loại mũ được cả nam và nữ đội vào mùa đông để bảo vệ trán, cổ và tai. Nambawi còn được gọi là pungdaengi.

6.5 Jokduri

Đây là loại vương miện được phụ nữ Hàn sử dụng, thường mặc cùng với wonsam (áo choàng dài của cô dâu trong ngày cưới).

6.6 Jobawi

Phần đỉnh nón mở rộng, các cạnh được thiết kế theo hình tròn để giữ ấm tai. Jobawi thường được làm bằng lụa đen với hai dây tua ở mặt trước và mặt sau. Đá quý đôi khi cũng được dùng để trang trí cho dây tua

6.7 Hwagwan

Cũng là một loại vương miện dành cho phụ nữ, được trang trí với họa tiết cánh bướm, hạt ngũ sắc và chỉ vàng.

6.8 Gulle

Loại mũ dành cho các bé trai và bé gái từ 1 đến 5 tuổi, phần đầu được trang trí cẩn thận để giữ ấm. Vào mùa đông, chiếc mũ thường được làm từ lụa đen. Còn vào mùa xuân và mùa thu, nó thường được làm bằng lụa ngũ sắc.

6.9 Ayam

Là một loại mũ dành cho phụ nữ vào mùa đông. Ayam không che phủ phần tai như Jobawi và đôi khi được lót bằng lông thú.

6.10 Dwikkoji

Một loại phụ kiện được phụ nữ Hàn sử dụng trong triều đại Joseon. Dwikkoji dùng để gắn vào bím tóc.

6.11 Binyeo

Loại kẹp tóc dùng để giữ chặt vương miện. Ngoài ra, binyeo còn được dùng để trang trí và khẳng định địa vị của người dùng. Chất liệu, hình dáng và kích thước của binyeo rất đa dạng.

6.12 Norigae

Được sử dụng rộng rãi từ hoàng gia cho đến dân thường. Nó được đeo ở phía ngoài áo choàng hay đeo ngang eo, mang đến sự sang trọng cho toàn bộ trang phục.

7. Ý nghĩa của Hanbok đối với người Hàn Quốc

Hanbok có 2 lớp trước hết thể hiện tính thực dụng cho người mặc. Bởi Hàn Quốc là đất nước lạnh nên ngay từ trang phục truyền thống đã phải đảm bảo được yếu tố sức khỏe cho người mặc. Ngoài ra, Hanbok có cấu tạo nhiều lớp và đặc biệt kín đáo cũng phản ánh tư tưởng của người Hàn chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo và lễ nghi nghiêm ngặt của Á Đông.

Hanbok của Hàn Quốc như một biểu tượng văn hóa của Hàn Quốc đã được cả thế giới thừa nhận. Mặc Hanbok trên mình là một niềm tự hào của người Hàn Quốc. Với những vẻ đẹp độc đáo và giá trị văn hóa sâu sắc, bạn nếu có cơ hội đến Hàn Quốc thì nhất định nên thử 1 lần được mặc lên người bộ trang phục truyền thống này của người Hàn Quốc.

Toàn Cầu Xanh rất vui khi được đồng hành cùng các bạn trong quá trình tìm hiểu và cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích cho các bạn.

——————————

Thông tin liên hệ:

Học viện Toàn Cầu Xanh – Du Học Toàn Cầu, Kiến Tạo Tương Lai.

Địa chỉ: Tầng 9 Tòa nhà HUD, số 159 Điện Biên Phủ, Phường 15, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hotline: 028 6277 1979

Facebook: Học Viện Toàn Cầu Xanh

Email: giaoductoancauxanh@gmail.com     

Website: Toàn Cầu Xanh

Tik tok: Toancauxanh