LỄ HỘI GANGNEUNG DANOJE – HÀN QUỐC
Hãy cùng xem, Tết Đoan ngọ của người Hàn Quốc có điều gì thú vị nhé!
Có thể nói rằng tháng 6 là một trong những tháng quan trọng nhất của người dân Hàn Quốc. Bởi lẽ, tháng 6 là tháng của những lễ hội, mang những nét đặc sắc của Hàn Quốc. Hãy cùng Toàn Cầu Xanh khám phá xem, tháng 6 này có lễ hội quan trọng nào nhé!
1. Ý nghĩa của Tết Đoan ngọ
Tết Đoan ngọ ở Hàn Quốc được gọi là “단오” (Dano)
Trong đó, “단” (端) mang ý nghĩa là “bắt đầu” hoặc là “đầu tiên”
“오” (午) mang ý nghĩa là “ban ngày” nhưng từ này được phát âm giống như “오” (五) mang ý nghĩa là “số năm”
Người Hàn Quốc còn có tên gọi khác là Surinal (수릿날). Ở đây, “Suri” có nghĩa là “Thần”, là “cao”, tức là vị thần tối cao, ám chỉ mặt trời. Tết Đoan Ngọ báo cho mọi người biết ánh nắng chói chang của mùa hè sắp lan tỏa khắp nơi, cây cối hoa màu cũng sắp tới thời điểm sinh trưởng tốt tươi nhất trong năm. Vì vậy mà Tết Đoan ngọ được tổ chức vào ngày thứ năm của khởi đầu tháng 5 (tức ngày 5 tháng 5 âm lịch), năm nay Tết Đoan ngọ chính thức là ngày 22 tháng 6 năm 2023.

Dân gian quan niệm rằng, vào ngày này năng lượng tích cực tồn tại mạnh mẽ nhất nên được chọn là ngày để thờ cúng thần linh, cầu nguyện cho một mùa màng bội thu. Ngoài ra, Tết Đoan ngọ còn có những cái tên khác như Surit-nal, Jungo-jeol và Cheongjun-jeol. Với lịch sử tồn tại hơn 1000 năm, Tết Đoan ngọ là một trong những dịp lễ tết lớn nhất của người Hàn.
2. Người Hàn làm gì vào Tết Đoan ngọ
Giống như Tết Trung thu và Tết Âm lịch, vào ngày Tết Đoan ngọ, dù có bận rộn đến đâu thì mọi người vẫn sắp xếp công việc để có thể dành ra một ngày trọn vẹn để cùng ăn uống, vui chơi bên gia đình. Đây là thời gian để mọi người thư giãn, lên dây cót tinh thần trước khi bước vào một mùa bận rộn Một hoạt động truyền thống không thể không nhắc đến đó chính là các cô gái gội đầu bằng lá cây diễn vi (Changpo) để gột rửa đi những điều xui xẻo trong năm qua. Cây diễn vi sẽ khiến mái tóc họ trở nên suôn mượt, óng ả hơn. Hình ảnh những chàng trai khỏe mạnh với chiếc thắt lưng bằng rễ cây vui vẻ trẩy hội cùng những cô thiếu nữ bên trang phục Hanbok màu đỏ, xanh truyền thống đã tạo nên một bức tranh ngày hội vô cùng sinh động.
Tết Đoan ngọ là dịp để thỏa sức vui chơi và trải nghiệm những trò chơi dân gian truyền thống như đu dây, bập bênh hay mạnh mẽ hơn là đấu vật. Đối với những ai không thích vận động thì có thể tự thưởng cho mình một buổi biểu diễn văn nghệ, mà điển hình là biểu diễn mặt nạ Tal đặc sắc.

Thời điểm diễn ra Tết Đoan ngọ cũng là đỉnh điểm của mùa hè. Vào ngày này nếu được thưởng thức những đồ ăn thức uống mát mẻ, tươi ngon thì quả là một điều tuyệt vời. Những món ăn điển hình có thể kể đến là bánh Surriteok và Yakteok. Tạo nên từ những nguyên liệu như lá ngải cứu và các loại hạt, những chiếc bánh không chỉ đẹp mắt mà còn giàu chất dinh dưỡng, thích hợp để thưởng thức trong một ngày lễ tôn vinh mùa màng như thế này.
3. Người Hàn ăn gì vào Tết Đoan ngọ?
Vào dịp Tết Đoan ngọ có 2 loại bánh truyền thống đó là Suritteok (수리떡, 수리취절편) và Yaktteok (약떡)
Món Suritteok có tên xuất phát từ từ Sure (수레) nghĩa là bánh xe. Bánh làm từ lá ngải cứu trần lấy nước, trộn cùng bột gạo. Bánh có màu xanh và được nặn giống hình bánh xe. Bánh Yaktteok được làm từ gạo không dính nấu chín nhưng không phải với lá ngải cứu mà với các loại hạt khác nhau và tạo thành những hình dáng đa dạng. Đây là một đặc sản của vùng phía nam tỉnh Jeolla.
Vào ngày này, người Hàn Quốc thường tặng nhau những chiếc quạt xinh xắn bởi người Hàn Quốc có câu: “Dano tặng quạt, đông chí tặng lịch”. Dịp Tết Đoan Ngọ thường diễn ra vào những ngày đầu hè vì vậy những chiếc quạt là món quà truyền thống hấp dẫn mà người Hàn Quốc thường trao tặng nhau để xua tan đi những cái nóng trong hè sắp tới.

Phong tục này đã được hình thành và duy trì từ thời Joseon. Thậm chí, chính nhà vua cũng tặng quạt cho các cận thần theo chức vụ từ cao tới thấp.
Xem thêm: Sông Hàn – Địa điểm không thể bỏ lỡ
Đặc biệt nhất là Lễ hội Đoan ngọ ở Gangneung (강릉단오제). Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, người dân nơi đây không chỉ vỗ ngực tự hào mà còn có ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc để không bị mai một đi.
Hy vọng rằng, chúng ta sẽ biết quý trọng và giữ gìn những giá trị truyền thống hơn nữa để ngày càng có nhiều những ngày lễ như Tết Đoan ngọ được tôn vinh. Tết Đoan ngọ Hàn Quốc hay Tết Đoan ngọ Việt Nam, với ý nghĩa gắn kết yêu thương các mối quan hệ trong gia đình. Toàn Cầu Xanh rất mong các bạn sẽ có cơ hội thưởng thức một Tết Đoan ngọ ấm cúng bên gia đình!
——————————
Thông tin liên hệ:
Học viện Toàn Cầu Xanh – Du Học Toàn Cầu, Kiến Tạo Tương Lai.
Địa chỉ: Tầng 9 Tòa nhà HUD, số 159 Điện Biên Phủ, Phường 15, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hotline: 028 6277 1979
Facebook: Học Viện Toàn Cầu Xanh
Email: giaoductoancauxanh@gmail.com
Website: Toàn Cầu Xanh
Tik tok: Toancauxanh