HỔ – CON VẬT BIỂU TƯỢNG HÀN QUỐC
Hình ảnh con hổ ảnh hưởng rất sâu đậm trong văn hóa của quốc gia này. Hổ mang những ý nghĩa như thế nào trong văn hóa của xứ sở Kim Chi
Trong văn hóa của các quốc gia châu Á, hổ luôn được xem là loài vật linh thiêng, là biểu tượng của sức mạnh, uy quyền, mang đậm dấu ấn tâm linh. Đối với người dân Hàn Quốc, hình ảnh con hổ ảnh hưởng rất sâu đậm trong văn hóa của quốc gia này. Vậy, hổ mang những ý nghĩa như thế nào trong văn hóa của xứ sở Kim Chi, hãy cùng Toàn Cầu Xanh tìm hiểu ngay nhé!
1. Hổ là biểu tượng cho sự thiêng liêng của vị thần hộ mệnh
Vì Hàn Quốc có địa hình chủ yếu là vùng núi nên có thể có nhiều loài động vật sống ở đó trong thời kỳ tiền sử, bao gồm cả những sinh vật hung mãnh như hổ. Tất yếu, cả sinh hoạt và tính mạng con người sẽ bị hổ đe dọa. Theo Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc, con hổ thường xuất hiện trong văn hóa Hàn Quốc cùng với nỗi sợ hãi, kinh hoàng đã trở thành loài vật được tôn thờ và sùng bái. Mặc dù hung ác và nguy hiểm đối với con người, nhưng hổ vẫn được tôn kính trong văn hóa Hàn Quốc như biểu tượng của các vị thần bảo vệ, biểu tượng của Thần Núi. “Những con hổ đã được coi như một vị thần được gọi là Sansin, Sangun hoặc Sansillyeong giúp bảo vệ các ngọn núi của chúng ta”, bảo tàng giới thiệu.
Trong đời sống hằng ngày, hình ảnh con hổ còn được dùng để vẽ lên tranh hay in lên bùa chú với niềm tin rằng loài vật thiêng liêng này sẽ mang lại cho họ sự an lành, sự bảo vệ khỏi những điều xấu xa, rủi ro trong cuộc sống. Không chỉ vậy, trong lễ cưới, kiệu hoa cô dâu cũng thường phủ một tấm da hổ hay tấm chăn có họa tiết hổ để bảo vệ cô dâu khỏi những điều xui xẻo. Trong những ngày đầu năm mới, người dân Hàn Quốc còn dán các bức tranh vẽ một con hổ ở nhà hay tạo hình con hổ bằng lá ngải cứu vào Tết Đoan ngọ. Đây là phong tục của tổ tiên dân tộc Hàn với niềm hi vọng sẽ có thể đánh bại vận xui nhờ vào sự dũng mãnh, uy quyền của loài hổ.

Chính vì biểu tượng hộ vệ đầy linh thiêng đó mà hình ảnh của loài hổ còn tồn tại trong đời sống tinh thần hoàng gia và triều đình Hàn Quốc xưa. Theo nhiều sử sách ghi chép lại, hổ thường được sử dụng để làm vật tế thần, cầu mưa với mong muốn mưa thuận gió hòa, giúp cho mùa vụ của người dân thuận lợi hơn. Ngoài ra, nhiều khu lăng mộ của các vua chúa cũng được che chở bởi những tượng hổ tạc bằng đá. Bên cạnh đó, hình hổ còn được thêu lên ngực và lưng áo quan võ, da của hổ luôn được treo ở các doanh trại võ binh cùng với nhiều bức tranh vẽ tư thế quan võ ngự trên thảm da hổ không chỉ vì hổ đại diện cho sự quả cảm và uy nghiêm; sự xuất hiện của hổ còn bảo vệ mọi người khỏi những nguy hiểm, xui xẻo và mang lại cho họ nhiều phước lành.
2. Hổ trong văn hóa dân gian của Xứ sở Kim Chi
Hình ảnh con hổ đi vào nền văn hóa dân gian Hàn Quốc vô cùng phong phú và đặc sắc. Hổ trở thành đề tài trung tâm của nhiều câu chuyện thần thoại, dân gian. Nếu những câu chuyện cổ tích trên thế giới thường bắt đầu bằng “ngày xửa ngày xưa”, thì người Hàn Quốc mở đầu những câu chuyện dân gian của mình theo một cách hoàn toàn khác biệt: “Thời hổ còn hút thuốc” – điều này có nghĩa là câu chuyện đã xảy ra từ rất lâu.
Hổ còn được coi là nhân vật chứng thực cho lòng hiếu thảo của con người trong những câu chuyện dân gian Hàn Quốc. Có nhiều câu chuyện cổ dân gian lấy hổ làm trung tâm xoay quanh vấn đề về lòng hiếu thuận của con cái. Hết chuyện này đến chuyện khác kể lại chuyện hổ giúp đỡ những người hiếu thảo và những người hết lòng phụng dưỡng cha mẹ.

Ngoài ra, có không ít những câu ngạn ngữ, tục ngữ lấy cảm hứng từ hình ảnh loài vật oai hùng này. Sứ mệnh hộ vệ của hổ có thể được thấy rõ qua câu ngạn ngữ “Hổ thắp lửa mở lối trên chặng đường leo núi”, hoặc những câu tục ngữ thông qua hình ảnh con hổ để nói về một ý nghĩa sâu xa hơn như “Khách tháng 5 tháng 6 còn đáng sợ hơn hổ” (Tháng 5, tháng 6 là thời điểm mùa hè nóng bức, đây cũng không phải giai đoạn thu hoạch mùa màng nên lương thực thiếu thốn, việc tiếp khách vào thời gian này sẽ có nhiều điều khó khăn) hay “Hổ chết để lại da, người chết để lại danh”, “Thấy hổ thì hoảng, thấy da hổ thì tham”,…
3. Hổ và tinh thần dân tộc của người dân Hàn Quốc
Trong suốt những năm từ 1900 đến 1904, người Hàn Quốc đã được truyền bá và dạy rằng đất nước họ có hình dạng như một chú thỏ bởi những người Nhật Bản, biểu tượng cho sự yếu đuối và yếu thế, nhưng ngày nay, nhiều người đã nhìn nhận khác đi, rằng đất nước họ có hình dạng như một chú hổ uy song.
Con hổ trở thành biểu tượng của sự phản kháng, đẩy lùi sự hiện diện của quân Nhật trong biên giới của họ. Vào năm 1908, Choi Namsun một người theo chủ nghĩa dân tộc trẻ tuổi của Hàn Quốc đã đăng một bức vẽ một con hổ đang cúi mình uốn cong thành hình bán đảo Triều Tiên lên tạp chí “Thiếu Niên.” thể hiện rõ phong thái dũng mãnh và uy nghiêm của con hổ và đang sẵn sàng để chinh phục Châu Á.

Ngoài ra, hình ảnh hổ còn được lan tỏa ra thế giới thông qua nhân vật ngộ nghĩnh Soohorang – linh vật của Thế vận hội Mùa đông PyeongChang, được tổ chức tại Hàn Quốc vào năm 2018. Tại đây, Soohorang cùng với chú gấu Bandabi đã lan tỏa tinh thần thể thao Hàn Quốc tới toàn thể người hâm mộ thể thao trên thế giới.
Trên đây là những ý nghĩa của hình ảnh con hổ đối với người dân Hàn Quốc. Hổ không chỉ được coi là vị thần hộ mệnh bảo bọc che chở cho con người, mà nó còn là một bản sắc văn hóa sâu đậm và là một biểu tượng quốc gia, một linh hồn dân tộc, hình ảnh tượng trưng cho tinh thần yêu nước bất diệt của người dân xứ sở Kim Chi. Hi vọng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm những hiểu biết về nền văn hóa đặc sắc của người Hàn Quốc. Hãy liên hệ với Toàn Cầu Xanh để cùng chuẩn bị cho hành trình khám phá đất nước tươi đẹp này nhé!
————————
Thông tin liên hệ:
Học viện Toàn Cầu Xanh – Du Học Toàn Cầu, Kiến Tạo Tương Lai.
Địa chỉ: Tầng 9 Tòa nhà HUD, số 159 Điện Biên Phủ, Phường 15, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hotline: 028 6277 1979
Website: toancauxanh.edu.vn